Nhu cầu thuê nhà xưởng của một số nhóm ngành nghề sẽ gia tăng

Thứ hai - 22/06/2020 09:14
Các chuyên gia nhận định, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) dự kiến có hiệu lực trong tháng 8 tới sẽ thúc đẩy những biến chuyển tích cực cho thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam.

Xu hướng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam cùng với làn sóng vốn ngoại "đổ bộ" vào nhiều lĩnh vực sản xuất sẽ kéo theo nhu cầu tăng cao về sản phẩm bất động sản công nghiệp như: đất đai, nhà xưởng xây sẵn...

Nhu cầu thuê nhà xưởng của một số nhóm ngành nghề sẽ gia tăng - Ảnh 1.

Nhu cầu thuê nhà xưởng của một số nhóm ngành nghề sẽ gia tăng. Ảnh: TTXVN

Ông Lê Trọng Hiếu - Giám đốc Bộ phận tư vấn và giao dịch - dịch vụ bất động sản công nghiệp của Công ty CBRE Việt Nam phân tích, Hiệp định EVFTA góp phần rất lớn tạo nên bức tranh kinh tế của Việt Nam, đồng thời là động lực hồi phục sau đại dịch COVID-19. Đặc biệt, việc thành công trong phòng, chống dịch thời gian qua giúp Việt Nam tiếp tục đón làn sóng dịch chuyển của các công ty sản xuất.

Hiệp định EVFTA tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu giữa Việt Nam và các nước khu vực châu Âu với nhiều ưu đãi, mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài, tạo động lực thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ cao cũng như tăng cường thu hút dòng vốn ngoại vào nhiều lĩnh vực khác nhau tại Việt Nam.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, khu vực châu Âu là một trong những đối tác thương mại chiến lược của Việt Nam sau khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Mỹ. Tổng giá trị xuất khẩu giữa Việt Nam và EU (bao gồm cả Vương quốc Anh) đạt 56,39 tỷ đô la Mỹ trong năm 2019, chiếm 15,7% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam.

Khảo sát của CBRE Việt Nam cho thấy, trước đây nhu cầu thuê bất động sản công nghiệp từ các công ty châu Âu vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên, CBRE kỳ vọng nhu cầu này sẽ tăng lên trong thời gian tới, tập trung ở các nhóm ngành như: máy móc, thiết bị (phụ tùng, linh kiện ô tô), thiết bị điện tử, may mặc...
 

Theo phân tích của ông Lê Trọng Hiếu, các ngành nghề liên quan đến phụ tùng, linh kiện ô tô được kỳ vọng sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ EVFTA. Hiện các nhà cung ứng cấp 1 đang mở rộng nhanh chóng tại thị trường Việt Nam, điển hình như một số hãng tên tuổi: Bosche, Schaeffler, Mitsubishi Motors, Yazaki, Daimler...

Bất động sản công nghiệp được dự đoán sẽ hoạt động tốt trong những năm tiếp theo bởi nguồn cung về đất đai, nhà xưởng xây sẵn, nhà kho vẫn còn hạn chế. Trong khi đó, nhu cầu từ các công ty lắp ráp, phụ tùng và mua bán ô tô đang tăng rất nhanh.

Những cụm công nghiệp nằm gần cảng hoặc gần cụm sản xuất ô tô sẽ là tâm điểm thu hút nhiều nhà đầu tư mới. Tại khu vực phía Bắc, các tỉnh, thành phố như: Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng... dự kiến trở thành tâm điểm đầu tư trong tương lai. Các tỉnh phía Nam đang nổi lên có Long An và thành phố Vũng Tàu với lợi thế thuận tiện di chuyển đến cảng Hiệp Phước và Cái Mép, hứa hẹn đem lại nhiều tiềm năng phát triển cho nhà đầu tư.

Mặc dù EVFTA mang đến nhiều cơ hội, nhưng các chuyên gia cũng cảnh báo về những rủi ro có thể xảy ra. Theo đó, việc chuyển dịch sản xuất vào Việt Nam một cách đột ngột có thể dẫn đến tắc nghẽn do thị trường đang rất khan hiếm nguồn cung. Khi đó, nhà đầu tư không đủ thời gian để cung cấp ra thị trường các sản phẩm phục vụ công nghiệp có chất lượng vì mất nhiều thời gian, đặc biệt là các thủ tục pháp lý.

Cùng đó, việc thiếu nguồn nhân lực tạm thời và hệ thống cơ sở hạ tầng còn hạn chế cũng sẽ là rào cản để tăng trưởng phân khúc bất động sản công nghiệp trong ngắn hạn.

Các chuyên gia cho rằng, nếu nhà đầu tư đã có sẵn quỹ đất sạch thì nên tăng tốc xây dựng nhà xưởng để đón đầu cơ hội mở rộng mới. Ngoài ra, các nhà đầu tư mới vào hoặc đang quan tâm đến thị trường cần chủ động nắm bắt cơ hội phát triển này.

Nguồn tin: www.cafef.vn

Những tin mới hơn

Tin tức khác

Tài trợ kim cương
Hội doanh nghiệp tân phú
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập12
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm10
  • Hôm nay0
  • Tháng hiện tại21,492
  • Tổng lượt truy cập8,336,939
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây