Doanh nghiệp cần làm 8 điều này để sống sót qua khủng khoảng

Thứ năm - 17/09/2020 09:36
Đại dịch Covid-19 đã trở thành thảm họa toàn cầu, làm đảo lộn mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội và con người. Việt Nam có nền kinh tế hội nhập rất sâu rộng, để vượt qua, doanh nghiệp phải nhanh chóng tái cấu trúc trên cơ sở nhận ra xu thế, tận dụng lợi thế, đau đáu sáng tạo, kết nối khôn ngoan, quản trị rủi ro...
Doanh nghiệp cần làm 8 điều này để sống sót qua khủng khoảng

Doanh nghiệp cần tái cấu trúc trên cơ sở: nhận ra xu thế, tận dụng lợi thế, đau đáu sáng tạo, kết nối khôn ngoan, quản trị rủi ro.

Gói hỗ trợ thứ hai: Nhanh, đúng và minh bạch

Đây là giai đoạn vô cùng khó khăn đối với cả nền kinh tế và doanh nghiệp. Nhưng càng khó khăn, càng phải cầm cự, duy trì năng lượng để khi cơn bão dịch đi qua, chúng ta lại có thể vươn lên mạnh mẽ. Cũng giống như nhiều nước, Việt Nam lựa chọn cách kết hợp phòng chống dịch với nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và hỗ trợ người lao động bảo đảm an sinh xã hội. Phản ứng chính sách kinh tế, xã hội của Chính phủ là khá kịp thời khi đưa ra gói hỗ trợ kinh tế lần thứ nhất. Tuy nhiên, đáng tiếc là việc thực thi chính sách nói chung còn chậm, sự vào cuộc của nhiều cơ quan ban ngành thiếu quyết liệt, chưa đồng bộ. Kết quả là tác động của gói hỗ trợ chưa như mong đợi, còn hạn chế. Bối cảnh khó khăn chung cộng việc dịch Covid-19 tái bùng phát càng cho thấy phải tiếp tục có những chính sách kích thích kinh tế mới (gói hỗ trợ lần thứ hai). Quan trọng nhất là cần đảm bảo thực thi nhanh, đúng và minh bạch các gói hỗ trợ này. 

Bên cạnh nỗ lực giúp doanh nghiệp và người lao động vượt “bão" dịch với qui mô đủ lớn (dù phải chấp nhận thâm hụt ngân sách và tỷ lệ nợ công cao hơn), tính ít nhất cho cả năm 2021, gói hỗ trợ lần hai phải gắn với tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế, bắt nhịp được với các xu hướng xu hướng phát triển (công nghệ, nhất là chuyển đổi số, kỹ năng lao động và cả cách thức tiêu dùng mới, sự dịch chuyển chuỗi giá trị cùng các dòng đầu tư,…). Mục tiêu ở đây chính là vừa cố gắng giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp, vừa tạo tiền đề cho bước phát triển bền vững, bao trùm và sáng tạo tiếp theo.

Những bài học sáng tạo

Trước cú sốc lớn như đại dịch Covid-19, vai trò hỗ trợ của Nhà nước là rất quan trọng. Song, dù như thế nào, nỗ lực của doanh nghiệp vẫn có ý nghĩa quyết định. Vấn đề không chỉ là "hành động hay không hành động", cách ứng phó với khủng hoàng mà còn là phục hồi và bứt phá khi dịch qua đi. Trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp đã đương đầu thử thách, vượt qua khó khăn bằng ý chí, sự linh hoạt và sáng tạo.

Cắt giảm chi phí là việc rất truyền thống, nhiều doanh nghiệp tính toán và làm ngay, tùy theo nguồn lực của mỗi doanh nghiệp. Tính toán bước đi tiếp và việc chỉ giữ lại phần cốt yếu nhất (hoạt động, nhân sự) cũng có thể là việc “cực chẳng đã” nhưng là một lựa chọn. Ngay trong khó khăn, việc duy trì quan hệ hoặc tìm hiểu đối tác cũng là khía cạnh đáng lưu tâm.

Thời dịch bệnh, giãn cách xã hội, hạn chế tiếp xúc trực tiếp được khuyến khích. Kinh tế số, không chỉ thương mại điện tử mà cả trong giáo dục, làm việc văn phòng… có cơ phát triển. Không ít doanh nghiệp đã bổ sung, chuyển đổi mô hình kinh doanh, cách thức tương tác khách hàng thành công nhờ công nghệ số.

Thị trường có nhu cầu cao hơn đối với các mặt hàng thiết yếu, dù tình hình có khó khăn đến mấy vẫn phải dùng hàng ngày. Nhiều doanh nghiệp nắm bắt nhanh nhu cầu và chuyển đổi mặt hàng sản xuất kinh doanh. Câu chuyện thiết bị y tế, khẩu trang, nước rửa tay kháng khuẩn… là những sản phẩm rõ nhất cho vấn đề này. Sản phẩm bánh mì thanh long của một doanh nghiệp còn cho thấy chất sáng tạo rất nhân văn, lại phù hợp đòi hỏi thị trường.

Do dịch bệnh diễn ra và khống chế khác nhau giữa các quốc gia, nên rất cần sự nhanh nhạy xử lý thông tin và tiếp cận thị trường ngay khi có điều kiện. Một ví dụ là khi một thị trường khống chế được dịch, nới lỏng các biện pháp chống dịch, thì doanh nghiệp rất nên nhắm tới, tranh thủ cơ hội này.

Tìm hiểu thông tin, tận dụng có hiệu quả các gói hỗ trợ của Chính phủ cũng là cách giúp vượt khó. Không chỉ chú ý đến chính sách ưu đãi mà quên nhìn cả việc thúc đẩy đầu tư công, như vào kết cấu hạ tầng, để có thể trực tiếp hay gián tiếp tham gia.

Quan trọng không kém là doanh nghiệp cần xem cú sốc đại dịch Covid-19 là cơ trong nguy để xoay chuyển tình thế và cải tổ chính mình. Có thể nói, đây chính là thời điểm tư duy lại, thiết kế lại, xây dựng lại gắn với việc nhận diện xu thế, định vị thị trường, đối tác, xác định cách thức chuyển đổi số, nâng cấp quản trị (cả quản trị rủi ro), sáng tạo sản phẩm, đào tạo kỹ năng mới cho người lao động.

[Caption] Ông Võ Trí Thành (thứ 3 từ trái qua): Đội ngủ Doanh nhân Việt đủ bản lĩnh, sáng tạo vượt qua khủng hoảng

Ông Võ Trí Thành (thứ 3 từ trái qua): Đội ngũ Doanh nhân Việt đủ bản lĩnh, sáng tạo vượt qua khủng hoảng

 Trong một thế giới đang có những biến đổi sâu sắc, doanh nghiệp cần 8 nỗ lực:

1. Tìm kiếm cơ hội kinh doanh gắn với thị trường, với hội nhập quốc tế, nhất là với các FTAs (như AEC; CPTPP; EVFTA,…) mà Việt Nam tham gia.

2. Tham gia chuỗi giá trị, mạng sản xuất toàn cầu dựa trên kết nối, lựa chọn đối tác hiệu quả và cùng thắng.

3. Chuyển động cùng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và nhất là chuyển đổi số.

4. Học hỏi và biết cách huy động vốn trong một thị trường tài chính đa dạng, phức hợp, tinh xảo.

5. Đối thoại và ứng xử theo luật, đảm bảo hợp đồng kinh doanh và bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp, người lao động.

6. Xây dựng thương hiệu và thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, nhân văn.

7. Đối thoại, đồng hành với Chính phủ, các bộ ngành, góp phần hoàn thiện chính sách, môi trường đầu tư kinh doanh.

8. Học và vận dụng tốt cách thức quản trị bất định và rủi ro.

Tin rằng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân đủ bản lĩnh, kinh nghiệm, sự sáng tạo, đồng lòng cùng Chính phủ vượt qua được giai đoạn rất khó khăn hiện nay và vững bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa thời hậu dịch.

Nguồn tin: TapchiDoanhNhanSaiGon

Những tin mới hơn

Tin tức khác

Tài trợ kim cương
Hội doanh nghiệp tân phú
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập76
  • Hôm nay1,048
  • Tháng hiện tại58,610
  • Tổng lượt truy cập8,458,548
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây