Vượt cạn "chuyển đổi số": Cách nào?

Thứ tư - 09/12/2020 09:05
Nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn đang "mắc cạn" với nhiều khó khăn và vẫn không biết bắt đầu từ đâu khi tham gia chuyển đổi số (CĐS).

8/10 DN tham gia CĐS

Theo Dell Technologies, cứ 10 DN thì có 8 DN đã đẩy nhanh một số chương trình CĐS trong năm nay và 79% trong đó đang sáng tạo lại mô hình kinh doanh. So với chỉ số DT Index (thước đo toàn cầu cho thấy tình trạng CĐS của các tổ chức, cũng như hiệu suất của họ trên toàn cầu) trong năm 2016 và năm 2018, kết quả của năm nay cho thấy lần đầu tiên số lượng các DN đứng đầu về trưởng thành kỹ thuật số tăng lên 6%. Trong khi đó, những DN đứng thứ hai về trưởng thành kỹ thuật số tăng từ 23% trong năm 2018 lên 39% trong năm 2020, tương ứng mức tăng 16%. DT Index cũng ghi nhận số lượng những DN ít trưởng thành nhất về kỹ thuật số giảm nhẹ 6% so với năm 2018. 

CDS-2-8745-1606358350.jpg
 

Cũng theo khảo sát của Công ty Adecco, 29% DN vừa và 31% DN nhỏ nhận biết khá rõ về năng lực của từng nhân viên. Các nhà lãnh đạo trong các DN vừa và nhỏ (tương ứng là 40% và 31%) cũng cam kết thúc đẩy các kỹ năng số, nhiều hơn so với 24% các công ty lớn.

Xét về đầu tư vào phát triển kỹ năng số, tỷ trọng giữa các công ty vừa và lớn gần như là 3/2.

Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ở một số DN lớn đang tốt hơn so với các DN vừa và nhỏ. 30% các công ty quy mô lớn đang hợp tác với các công ty công nghệ hàng đầu và 35% đang cải thiện hiệu suất của nhân viên bằng các công nghệ mới. Trong khi đó, các con số này ở DN nhỏ chỉ là 22% và 27%.

Ngược lại, 25% các công ty nhỏ có lộ trình đầu tư và ứng dụng công nghệ mới rõ ràng và 41% thành công hơn trong việc áp dụng công nghệ mới để cải thiện hoạt động kinh doanh. 43% DN nhỏ cũng rất chú trọng đến đào tạo để giúp nhân viên nâng cao kỹ năng số. Trong khi đó, các DN lớn cần nhiều thời gian hơn để thực hiện việc đào tạo do số lượng nhân viên khá đông. 

Thực tế cho thấy, các DN đang duy trì ổn định, thậm chí có mức tăng trưởng tốt tại thời điểm kinh tế đang bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 là do nắm bắt tư duy đổi mới và tham gia CĐS. Đơn cử Viettel, năm 2020, cùng sứ mệnh "tiên phong kiến tạo xã hội số", Viettel tuyên bố văn hóa số, trong đó nhấn mạnh yếu tố "lấy khách hàng làm trung tâm". Ngay sau đó, các hoạt động chăm sóc khách hàng của Viettel đã có nhiều thay đổi như việc ứng dụng My Viettel, trở thành trợ lý đắc lực đối với khách hàng mà không cần đến cửa hàng. Bên cạnh đó, Viettel cũng đã đưa AI vào việc chăm sóc khách hàng trên các hệ thống kênh chăm sóc khách hàng của Viettel, nhằm tối ưu thời gian chờ và trải nghiệm dịch vụ của khách hàng.

Tương tự, Công ty CP Khử trùng Việt Nam (VFC) đã hợp tác với WorkIT.vn để thực hiện CĐS thông qua việc triển khai ứng dụng giải pháp phần mềm quản trị tổng thể ERP và văn phòng điện tử E-office và đã đạt những con số tăng trưởng tốt  từ kinh doanh.

Theo ông Quách Ngọc Long - Giám đốc Công ty WorkIT (đơn vị cung cấp các giải pháp CĐS), một trong những kinh nghiệm lựa chọn CĐS thành công đó là xây dựng và triển khai các kênh bán hàng đa dạng trong mùa dịch; tự động hóa các chuỗi cung ứng từ nhà cung cấp - đơn vị vận chuyển - kho bãi; chủ động chuẩn bị các phương án làm việc tại nhà, số hóa quy trình DN, số hóa dữ liệu lên nền tảng đám mây; thống nhất quy trình giao việc, kiểm soát, đo lường và đánh giá hiệu suất làm việc của nhân viên; đưa ra các giải pháp thay thế để giải quyết bài toán cho bộ phận kinh doanh, gặp gỡ đối tác trực tuyến; xét duyệt đơn từ, đề xuất từ xa; sử dụng hóa đơn điện tử, số hóa văn bản tài liệu; ứng dụng các giải pháp phần mềm quản trị DN và CĐS chuyên nghiệp".

"Vượt cạn": Cách nào?

Mặc dù đã có nhiều DN tham gia CĐS  nhưng theo Dell Technologies, ba rào cản hàng đầu của việc CĐS mà DN đang phải đối mặt đó là việc quan ngại về bảo mật dữ liệu và an ninh mạng, thiếu chi phí và các nguồn lực, không thể trích xuất các thông tin chi tiết từ dữ liệu hoặc quá tải thông tin.

Bà Nguyễn Thu Hà - Giám đốc Adecco Việt Nam cũng cho biết thêm, thách thức nữa là DN chưa thể theo kịp tốc độ phát triển công nghệ, các DN lớn thiếu hụt ngân sách và bảo mật thông tin. Trong khi đó, hơn một nửa số DN quy mô vừa và nhỏ gặp khó khăn trong việc nâng cao kỹ năng cho nhân viên của họ.

chuyen-doi-so-2486-1606358350.jpg
 

Ông Lê Hoài Đăng Giang - Giám đốc IT của Hakuhodo chia sẻ: "Trong ba năm qua, hai vấn đề chính công ty phải quan tâm là nhân sự thực hành và chuẩn hóa các quy trình tác nghiệp. Thực tế, nhân sự vận hành thao tác thường quen với thói quen cũ (ví dụ: dùng email và chat...) và rất khó để thay đổi tư duy cá nhân cũng như phương pháp vận hành của tổ chức. Khi thực hiện CĐS, Hakuhodo định hướng về một văn phòng không giấy tờ, điều hành mọi lúc mọi nơi, tự động hóa các quy trình tác nghiệp, giảm chi phí, tiết kiệm thời gian và tăng năng suất. Bên cạnh đó là việc theo dõi được công việc của mỗi nhân viên theo KPI. Chính vì vậy, giai đoạn đầu của việc thực hiện sẽ thường mất thời gian và một số nhân viên vẫn còn nhầm lẫn theo thao tác truyền thống". 

Để  bước vào công cuộc CĐS nhanh hơn, ông Trương Công Cứ - Tổng giám đốc VFC cho rằng: "Các DN phải thực sự quyết tâm, liên tục cập nhật và ứng dụng những giá trị công nghệ mới vào việc vận hành DN. Đó chính là yếu tố quan trọng để "vượt cạn" CĐS thành công. Bên cạnh đó, cần phải chọn lọc đối tác triển khai ứng dụng thật kỹ bởi CĐS là một quá trình lâu dài và quan trọng của DN, vì vậy nhà cung cấp dịch vụ cần phải có kinh nghiệm và có thể tư vấn toàn diện cho DN". 

Ông Long cũng cho rằng, để bắt đầu CĐS, các DN cần phải xác định mục tiêu rõ ràng trong 1-2 năm đầu. Kinh nghiệm từ DN các nước Đông Nam Á cho thấy, 70% các DN chọn CĐS để tăng doanh thu và các DN Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này.

Với các DN bán lẻ, sản xuất, đại diện một đơn vị cung ứng giải pháp CĐS cũng cho rằng, đầu tư CĐS không phải để thay đổi hệ thống phân phối truyền thống khi doanh thu thương mại điện tử chưa đến 10% so với doanh thu bán lẻ toàn quốc nên CĐS của các DN này là biết khách hàng ở đâu, chi tiêu ra sao, điều phối hàng hóa, dự phòng sản xuất, nhập hàng phù hợp. Vì vậy, việc đầu tư ban đầu không cần quá lớn. Việc thử nghiệm CĐS với kinh phí nhỏ là có lợi nhất cho DN vì có thể điều chỉnh khi chưa phù hợp với thiệt hại nhỏ nhất.

Ở góc độ nguồn nhân lực, bà Lê Nguyễn Ngọc Thanh - Giám đốc Adecco Việt Nam - Văn phòng TP.HCM  cũng cho biết, 1/3 DN cho rằng để CĐS thành công thì chiến lược hiệu quả nhất là đào tạo và nâng cao năng lực nhân viên. Các giải pháp khác được đề ra là xác định chiến lược, lộ trình rõ ràng và thay đổi văn hóa từ cấp quản lý. 

Kỹ thuật số đã trở thành "ngôn ngữ" mới mà người lao động bắt buộc phải thành thạo. Tuy nhiên, nhiều DN mong đợi điều đó nhưng lại không cung cấp cơ hội đào tạo hoặc hỗ trợ đầy đủ. Các công ty nên có tầm nhìn và lộ trình rõ ràng cho sự phát triển của nhân viên trong kỷ nguyên mới này. Điều này không chỉ giúp xác định sự thành công trong CĐS mà còn giữ chân những nhân tài có năng lực số tiên tiến", bà Thanh nói.

Nguồn tin: TapchiDoanhNhanSaiGon:

Những tin mới hơn

Tin tức khác

Tài trợ kim cương
Hội doanh nghiệp tân phú
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập15
  • Hôm nay611
  • Tháng hiện tại58,550
  • Tổng lượt truy cập8,290,236
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây