84% doanh nghiệp gặp khó khăn
Theo kết quả ghi nhận ý kiến 105 doanh nghiệp nhỏ và vừa, phần lớn là những doanh nghiệp sử dụng từ 50-100 lao động, kinh doanh trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, chế biến lương thực thực phẩm, xây dựng và vật liệu xây dựng, cơ khí, nhựa, hóa chất... có tới 84% số doanh nghiệp trả lời tình hình sản xuất còn gặp khó, chỉ có 5% nói trở về bình thường và 9% bắt đầu vượt qua khó khăn.
Khảo sát của HUBA cũng cho thấy, có tới 40% doanh nghiệp phản ánh họ đang thiếu vốn kinh doanh, 14% bị đứt chuỗi cung ứng nguyên liệu, 88% số doanh nghiệp cho rằng thị trường bị thu hẹp. Hậu quả là có tới 52% doanh nghiệp khẳng định sẽ phải cắt giảm lao động.
Các doanh nghiệp sản xuất đã bắt đầu nối lại nguồn cung ứng nguyên liệu, tổ chức sản xuất kinh doanh cầm chừng, phù hợp với khả năng tiêu thụ sản phẩm |
Nhận định về thời gian tới, 64% cho rằng họ phải tự lực cánh sinh mà không nhờ đến sự hỗ trợ, 60% nghĩ đến chuyện tìm giải pháp cắt giảm chi phí để tồn tại, 37% thu hẹp quy mô kinh doanh và 11% sẽ phải tạm ngưng hoạt động.
“Ghi nhận tình hình hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất đã bắt đầu nối lại nguồn cung ứng nguyên liệu, tổ chức sản xuất kinh doanh cầm chừng, phù hợp với khả năng tiêu thụ sản phẩm”, văn bản gửi UBND TP.HCM của HUBA nhấn mạnh.
Theo HUBA, dịch Covid-19 khiến nhu cầu tiêu dùng trong nước và đơn hàng xuất khẩu đang giảm nhiều. Một số ngành chế biến thực phẩm, nông lâm thủy hải sản ảnh hưởng ít do sức mua có trong thị trường nội địa. Một số lĩnh vực như hàng không quốc tế, du lịch lữ hành, khách sạn, nhà hàng, vận tải hành khách bị ảnh hưởng nặng nề sau một thời gian bật dậy trong thời gian nghỉ hè của học sinh.
Có ít doanh nghiệp tiếp cận chính sách
Đây là vấn đề được HUBA quan tâm nhất trong thời gian qua. Trong số 105 doanh nghiệp hội viên được HUBA khảo sát, có tới 76% phản ảnh chưa tiếp cận được các chính sách nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp, chẳng hạn như chính sách lãi suất. Thời gian qua, hệ thống ngân hàng luôn cho rằng đã thực hiện hỗ trợ cho nhiều khách hàng cơ cấu lại các khoản nợ, giãn thời gian trả nợ, giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, kết quả khảo sát lại có có 10% doanh nghiệp trả lời đã tiếp cận chính sách ngân hàng cơ cấu lại nợ, giãn nợ, hạ lãi suất cho vay.
“Hầu hết doanh nghiệp vẫn phản ảnh lãi suất giảm chút ít, thủ tục còn khó khăn và nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện được để tiếp nhận từ chính sách hỗ trợ. Nhiều doanh nghiệp vẫn có nhu cầu tiếp tục vay thêm vốn kinh doanh, đầu tư đổi mới công nghệ, thay đổi sản phẩm và ứng dụng công nghệ số… nhưng khả năng tiếp cận hạn chế”, trích văn bản của HUBA.
Nhiều giải pháp, kiến nghị thiết thực
Trước thực trạng trên, theo HUBA, các hỗ trợ cho doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19 cần nhắm tới giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động nhằm giữ nguyên đội ngũ nhân viên, tạo công ăn việc làm. Do đó, HUBA kiến nghị 6 vấn đề:
1. Thành phố hỗ trợ doanh nghiệp phát huy cao nhất khả năng tiêu thụ sản phẩm trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong đó triển khai các giải pháp đi kèm như:
- Đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tăng cường tuyên truyền, vận động ý thức người dân tự nguyện ủng hộ hàng Việt.
- Thành phố khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi số, tham gia thương mại điện tử để đẩy mạnh giao dịch thương mại online trong và ngoài nước. Hỗ trợ một phần kinh phí tổ chức xúc tiến thương mại và chuyển đổi số cho doanh nghiệp thông qua các hiệp hội, hội doanh nghiệp có đủ điều kiện thay vì chỉ giao cho các đơn vị của Nhà nước.
2. Gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất thêm thời gian lên 12 tháng cho doanh nghiệp và gia hạn chậm bảo hiểm hưu trí, tử tuất lên 6 tháng cho người lao động trong doanh nghiệp. Đề nghị tất cả mọi người lao động trong doanh nghiệp nếu bị giảm thu nhập sâu đều được tạm ngưng đóng bảo hiểm xã hội, phí công đoàn, hủy bỏ quy định 50% lao động nghỉ việc mới được giải quyết.
Thành phố hỗ trợ doanh nghiệp phát huy cao nhất khả năng tiêu thụ sản phẩm trên thị trường trong nước và xuất khẩu |
3. Chính sách của ngân hàng cần sửa đổi Thông tư 01 theo hướng mở rộng đối tượng được hỗ trợ, giảm điều kiện thụ hưởng và thủ tục cơ cấu lại nợ không chuyển nhóm. Nâng cao hơn nữa tinh thần chủ động hỗ trợ khách hàng và khả năng vay tín chấp thông qua thẩm định phương án kinh doanh, quản lý nguồn thu… Đề nghị ngân hàng có gói hỗ trợ mới có sự hỗ trợ ngân sách của Nhà nước để các ngân hàng thương mại mạnh dạn cho vay mới phục vụ khách hàng.
4. Chính sách cho vay trả lương người lao động trong doanh nghiệp rất có ý nghĩa với doanh nghiệp nhưng thời gian qua không thực hiện được. Đề nghị sửa đổi nhanh về mặt chính sách theo hướng cho nhiều ngân hàng cùng làm, Nhà nước bù lãi vay cho doanh nghiệp thay vì chỉ giao một Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện. Điều kiện đơn giản cùng với sự cam kết của doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước pháp luật để chính sách nhanh chóng được thực thi.
5. Trên thực tế doanh nghiệp vẫn phải đào tạo lại sau khi tuyển dụng từ các cơ sở đào tạo nghề. Vì vậy, đề nghị Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí cho người lao động được đào tạo nghề tại chỗ, vừa học vừa làm trong doanh nghiệp.
6. Thành phố tập trung chỉ đạo các sở, ngành đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp; tiếp tục mở rộng triển khai các dịch vụ khai thuế điện tử, nộp thuế, hoàn thuế và hóa đơn điện tử; đơn giản hóa thủ tục hành chính trong tất cả lĩnh vực xuất nhập khẩu, nâng cao hiệu quả hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS.
“Người lao động trong doanh nghiệp bị thiệt hại nhận được sự hỗ trợ theo chính sách nhà nước chậm hơn so với người lao động tự do, thủ tục tiếp nhận hỗ trợ khó thực hiện”, theo HUBA.
Nguồn tin: TapchiDoanhNhanSaiGon:
Những tin mới hơn
Tin tức khác