Đẩy mạnh đầu tư công, doanh nghiệp nào hưởng lợi?

Thứ năm - 27/08/2020 08:46
Chính phủ đang quyết tâm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, hàng trăm nghìn tỷ đồng dự kiến chảy vào nền kinh tế trong những tháng cuối năm 2020. Vậy những doanh nghiệp nào sẽ được hưởng lợi?

Hơn 400.000 tỷ đồng chờ giải ngân

Từ giữa tháng 7/2020 đến nay, nhiều cuộc họp cấp Trung ương đến địa phương liên tục bàn cách giải ngân nhanh nguồn vốn đầu tư công sao cho hiệu quả. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết năm nay phải giải ngân khoảng 28 tỷ USD, tương đương trên 630.000 tỷ đồng.Theo các chuyên gia kinh tế, nếu giải ngân hết nguồn vốn trên, sẽ giúp GDP tăng thêm 0,4%.

Trong khi, theo Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng đầu năm 2020, giải ngân vốn đầu tư công đạt 203.000 tỷ đồng. Như vậy, vẫn còn hơn 430.000 tỷ đồng chờ giải ngân. Trong cuộc họp trực tuyến mới đây giữa Chính phủ và các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu giải quyết "3 cái đọng". Đó là vốn đọng (có tiền đó mà không tiêu được), nợ đọng (thi công xong nhưng không quyết toán) và thủ tục đọng. Để tháo gỡ nút thắt, Thủ tướng cũng quyết định thành lập 7 đoàn kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 tại một số bộ, cơ quan, địa phương.

Dự kiến, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ được chuyển đổi hình thức đầu tư tại 8 dự án cao tốc Bắc - Nam từ hợp tác công - tư (PPP) sang đầu tư công. Các dự án sẽ được khởi công ngay trong quý III/2020, thay vì quý I/2021 như kế hoạch.

bai-2-dau-tu-cong-4363-1598410504.jpg
 

"Tiếp máu" cho vật liệu xây dựng

Ông Nguyễn Quốc Bảo - Chủ tịch Câu lạc bộ (CLB) Bất động sản Việt Nam và TP.HCM (VREC và HREC) đánh giá, đẩy mạnh đầu tư công trong giai đoạn cuối năm nay, ngoài tác dụng kích cầu nền kinh tế vốn đang gặp rất nhiều khó khăn, còn có tác động tích cực đến các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng. Đối với các doanh nghiệp xây dựng, họ có thể tham gia dự án với vai trò thầu phụ. Các công ty kinh doanh vật liệu xây dựng (sắt, thép, đá...) cũng được hưởng lợi đáng kể.

Với vai trò là Chủ tịch Công ty DT24, ông Bảo cho biết, các dự án đầu tư công khi được triển khai sớm sẽ mang lại lợi ích cho các dự án bất động sản gần đó. Hiện DT24 chuẩn bị triển khai dự án khu đô thị Vani Villas (Bình Thuận). Hiện nay, từ Sài Gòn xuống di chuyển tới dự án mất hơn 4 tiếng, nhưng khi đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết (kết nối Đồng Nai với Bình Thuận) hoàn thành, sẽ rút ngắn xuống còn 2 tiếng rưỡi. Ngoài ra, khi hệ thống giao thông được kết nối, lưu thông thuận tiện cũng giúp giảm chi phí vận chuyển, chi phí xây dựng và tăng giá trị dự án.

Theo các doanh nghiệp trong ngành, đẩy mạnh đầu tư công sẽ giúp ngành bất động sản hưởng lợi nhiều nhất. "Thay vì nhiều doanh nghiệp đang chực chờ phá sản thì nhờ chính sách này, họ sẽ vực dậy và phát triển tốt", ông Bảo đánh giá.

Đại diện Tập đoàn Hòa Phát thì cho rằng, nếu ngân sách đầu tư công được giải ngân nhiều vào các công trình hạ tầng, cầu cống, đường xá thì sản xuất thép của họ sẽ được hưởng lợi. Trong nửa đầu năm 2020, thép xây dựng Hòa Phát được cung cấp vào nhiều dự án đầu tư công như đường cao tốc Bắc - Nam (đoạn Đà Nẵng - Huế - Quảng Trị), cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, các bệnh viện công (tại Cần Thơ, Tiền Giang, Nghệ An, TP.HCM), hàng loạt công trình nhiệt điện, điện mặt trời, điện gió khu vực phía Nam. Đây là tiền đề để tập đoàn này tự tin đạt kế hoạch 86.000 tỷ đồng doanh thu và 9.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm nay.

Cửa ra cho bất động sản?

Theo Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), ngành xây dựng sẽ phục hồi nhờ giải ngân mạnh đầu tư công năm 2020. Tuy nhiên, BSC lưu ý, đặc thù của hoạt động xây dựng hạ tầng là thời gian thi công thường kéo dài, việc nghiệm thu, bàn giao được thực hiện từng phần... nên thường mất nhiều thời gian.

 

Còn Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho rằng, ngành vật liệu xây dựng sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Ngành này được chia thành hai nhóm, gồm nhóm sắt thép và nhựa xây dựng và nhóm xi măng và đá xây dựng. Nhóm đầu có quy mô sản xuất lớn với quy trình sản xuất phức tạp. Nhóm còn lại sử dụng tài nguyên trực tiếp và quy trình sản xuất ít phức tạp hơn.

Theo đó, các ngành trong nhóm đầu sẽ có nhiều cơ hội được hưởng lợi hơn nhóm ngành sau do có lợi thế cạnh tranh rõ ràng hơn. Tuy nhiên trong nhóm đầu, chỉ những công ty chuyên cung cấp nguyên vật liệu cho các công trình lớn mới có thể được hưởng lợi. Các công ty có tệp khách hàng thuộc khu vực xây dựng dân dụng cũng sẽ không được hưởng lợi.

Ông Hoàng Thạch Lân - Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá, tăng đầu tư công là tăng chi tiêu, sẽ tác động tích cực đến rất nhiều ngành. Các doanh nghiệp niêm yết cũng được hưởng lợi, chẳng hạn các ngành vật liệu xây dựng, hạ tầng, bất động sản...

Với ngành bất động sản, cầu đường được xây mới sẽ giúp những dự án gần đó tăng giá, chủ đầu tư cũng có thể bán hàng nhanh và nhiều hơn giai đoạn khó khăn vì dịch. Tuy nhiên, mức độ tác động còn phụ thuộc vào tình hình triển khai dự án.

Về định hướng đầu tư, ông Lân khuyên nhà đầu tư nên chú ý đến các ngành có khả năng kháng được dịch bệnh. Các ngành điển hình là thực phẩm tiêu dùng, sản phẩm y tế hoặc ngành dịch vụ chứng khoán.

Nguồn tin: TapchiDoanhNhanSaiGon:

Những tin mới hơn

Tin tức khác

Tài trợ kim cương
Hội doanh nghiệp tân phú
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập30
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm29
  • Hôm nay504
  • Tháng hiện tại58,066
  • Tổng lượt truy cập8,458,004
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây