Khảo sát tại diễn đàn “Từ sống sót đến thịnh vượng” vừa diễn ra tại TP.HCM cho thấy, có đến 85% lãnh đạo DN dự báo ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 sẽ kéo dài từ nay đến hết năm 2021 và thậm chí dài hơn. Tuy nhiên, trong số này có trên 50% lãnh đạo cho rằng “trong nguy vẫn có cơ”, cần chuẩn bị sẵn sàng để nắm bắt cơ hội. Trong đó, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ là giải pháp tốt nhất để vượt qua khủng hoảng.
Muốn đạt được điều này, trước tiên người lãnh đạo DN phải phát huy vai trò và tinh thần của người lãnh đạo. Hơn lúc nào hết, người lãnh đạo DN phải khẳng định được vai trò lãnh đạo của mình, không chỉ trong tư duy, trong xử lý tình huống, mà trên hết còn phải là người truyền cảm hứng và kiên tâm để đưa DN từ “sống sót đến thịnh vượng”.
Môi trường kinh doanh hiện nay cũng đòi hỏi nhà lãnh đạo phải hành động quyết đoán, kịp thời, đưa ra quyết định trong ngắn hạn nhưng có tầm nhìn dài hạn.
Hai là phải đẩy mạnh đổi mới sáng tạo. Nếu trước đây số hóa, tự động hóa chỉ là định hướng của DN thì lĩnh vực này phải được xem là việc làm cấp bách. DN phải đẩy nhanh quá trình số hóa để tạo ra những thay đổi, mang lại giá trị mới và lợi nhuận hiệu quả nhất cho DN. Các thử nghiệm có thể được thực hiện liên tục trong thời gian ngắn, vài tuần hoặc một tháng để liên tục rút kinh nghiệm. Việc ứng dụng các giải pháp công nghệ tự động hóa sẽ giúp DN tối ưu chi phí, gia tăng hiệu suất, nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Đối với bài toán gián đoạn chuỗi cung ứng, việc đưa vào ứng dụng nền tảng hội chợ trực tuyến sẽ giúp kết nối các DN trong và ngoài nước một cách dễ dàng. Ví dụ điển hình là Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM đã đưa vào ứng dụng nền tảng này với 50 showroom đang hoạt động và dự kiến đến cuối năm con số này sẽ lên mức 100 showroom.
Ba là tập trung phát triển nguồn nhân lực. Con người là tài sản giá trị nhất đối với một DN. Trong bối cảnh diễn biến phức tạp và khó lường của dịch Covid-19, DN cần tìm cách bảo toàn nguồn nhân lực, quan tâm và nuôi dưỡng đội ngũ nhân tài, đồng thời triển khai các giải pháp giúp tăng năng suất lao động, tăng thu nhập để kích thích tinh thần làm việc của họ. Giai đoạn này, DN cũng nên dành nhiều thời gian đào tạo, trao dồi kiến thức chuyên môn cho đội ngũ, tạo ra môi trường mở về tư duy sáng tạo nhằm thu lại những sáng kiến giúp DN vượt qua khó khăn.
Theo các chuyên gia, nếu cộng đồng DN liên kết, đồng lòng và phát triển cùng nhau sẽ có cơ hội vượt qua khủng hoảng. Mỗi DN sống sót, mỗi DN thịnh vượng sẽ tạo động lực to lớn cho nền kinh tế.
Nguồn tin: TapchiDoanhNhanSaiGon:
Những tin mới hơn
Tin tức khác