Theo thống kê của Bộ Công Thương, sau một tháng EVFTA thực thi, nhiều mặt hàng xuất khẩu có chuyển biến tích cực tại thị trường EU. Điển hình như xuất khẩu thủy sản. Từ đầu tháng 8 tới nay, mặt hàng này có số lượng đơn hàng tăng khoảng 10% so với tháng 7/2020, trong đó tăng trưởng nhiều nhất là tôm, mực…
Bên cạnh thủy sản, gạo Việt xuất khẩu sang châu Âu cũng có những tín hiệu khả quan. Cụ thể, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU đã tăng từ 80-200 USD/tấn tùy loại so với thời điểm trước khi EVFTA có hiệu lực.
Trước đây, mỗi năm Việt Nam chỉ xuất khẩu được khoảng 20.000 tấn gạo, nhưng hiện nay hạn ngạch gạo xuất khẩu sang EU được nâng lên 80.000 tấn/năm. Nếu các doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội, kim ngạch xuất khẩu có thể tăng gấp 4 lần và mỗi năm thu về hơn 50 triệu euro.
Mặt hàng rau, quả tươi cũng được đánh giá đã và đang rộng cửa vào EU kể từ ngày 1/8/2020. Hiện EU là thị trường xuất khẩu thứ tư của nhóm hàng này. Với nền tảng sẵn có, cộng thêm việc miễn giảm thuế nhập khẩu theo cam kết sẽ giúp tăng khả năng cạnh tranh của trái cây Việt so với các đối thủ.
Cà phê cũng là mặt hàng được kỳ vọng gia tăng sản lượng lẫn giá trị vào thị trường EU khi thuế suất giảm từ 15% xuống 0%. Trong số 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được EU cam kết bảo hộ khi EVFTA chính thức đi vào thực thi, có cà phê Buôn Ma Thuột. Đây là lợi thế cạnh cho ngành cà phê Việt Nam.
Lâu nay, nhiều mặt hàng xuất khẩu Việt Nam vào EU có thuế suất khá cao như cá ngừ là 20,5%, tôm sú đông lạnh 20%, mực và bạch tuộc từ 6-8%... Khi được EU giảm thuế, sẽ là lợi thế không nhỏ cho hàng hóa Việt Nam tăng cường sự hiện diện vào một trong những thị trường lớn nhất thế giới này.
Nguồn tin: TapchiDoanhNhanSaiGon::
Những tin mới hơn
Tin tức khác