Giữa cuộc suy thoái toàn cầu do tác động của Covid-19, Việt Nam tiếp tục có những dấu hiệu tăng trưởng tích cực. Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam được dự báo có thể tăng trưởng GDP 2,8% trong năm nay nếu tình hình toàn cầu dần cải thiện.
Dự báo tăng trưởng của Việt Nam được xem là điểm sáng nổi trội trong bối cảnh toàn cầu đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hiện nay. Tuy nhiên, môi trường kinh doanh thay đổi do đại dịch và Hiệp định Thương mại Tự do mới với Liên minh châu Âu (EU) cũng trở nên phức tạp hơn bao giờ hết đối với các doanh nghiệp Việt.
Tại Diễn đàn Kinh doanh quốc tế 2020 do Đại học RMIT tổ chức hôm 26/8/2020, TS. Nguyễn Quang Trung - Chủ nhiệm nhóm bộ môn Quản trị Đại học RMIT đã nhấn mạnh cú sốc "cung và cầu" đang tác động mạnh đến các doanh nghiệp Việt Nam.
TS.Trung nói: "Tại bất cứ nơi nào trên thế giới bị ảnh hưởng dịch bệnh đều phải đối mặt với vấn đề hàng triệu người bị mất việc làm, dẫn đến giảm năng lực chi tiêu, khiến nhu cầu tiêu dùng trên toàn cầu cũng thấp hơn. Điều này ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực kinh tế. Và đây cũng là thách thức vô cùng lớn đối với nền kinh tế mở và phụ thuộc nhiều vào giao thương quốc tế như Việt Nam".
Khẳng định sự gián đoạn thương mại do Covid-19 đang ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, GS. Alberto Posso thuộc Trung tâm Phát triển quốc tế Đại học RMIT tại Úc nhấn mạnh: "Không phải tất cả hàng hóa nhập khẩu đều là hàng hóa cuối cùng. Trên thực tế, khoảng 70% hàng nhập khẩu trên toàn cầu là hàng hóa trung gian được sử dụng trong sản xuất. Điều này có nghĩa là gián đoạn thương mại toàn cầu có thể khiến việc sản xuất trong nước khó khăn và đắt đỏ hơn".
Cũng theo GS.Posso, hiện các doanh nghiệp đều lo sợ những vi-rút mới xuất hiện hoặc các yếu tố khác có thể làm đứt gãy chuỗi cung ứng nên cố gắng đa dạng hóa chuỗi cung ứng. "Khi doanh nghiệp mở rộng nguồn cung của mình, nhiều lĩnh vực sẽ có thể tìm thấy thị trường xuất khẩu và cơ hội tăng trưởng mới để hỗ trợ quá trình phục hồi và EVFTA, được xem là cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt tại thị trường châu Âu và ngược lại", GS Posso nhấn mạnh.
Tuy nhiên, TS. John Walsh - Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Kinh doanh quốc tế tại Đại học RMIT nhận định: "Cơ hội mở ra cũng có không ít thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể, doanh nghiệp Việt có khả năng tăng xuất khẩu sang EU và đặc biệt là hợp tác với các nhà đầu tư châu Âu, từ đó nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu. Song, các doanh nghiệp trong nước nên lường trước con đường phía trước sẽ rất dài và quanh co nên phải sẵn sàng trước cơ hội chuyển đổi hàng hóa thô thành sản phẩm có giá trị gia tăng và có thương hiệu.
"Các doanh nghiệp có thể bắt đầu tiếp cận các thị trường nhỏ hơn tại EU trước khi thâm nhập những thị trường lớn như Đức và Pháp", TS. Walsh khuyến nghị.
PGS.TS. Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Chính phủ cũng khuyên doanh nghiệp Việt Nam nên tích cực tìm kiếm cơ hội trong các hiệp định thương mại tự do và dịch chuyển chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời chấp nhận cạnh tranh và nắm bắt tiêu chuẩn cao ở các thị trường nước ngoài.
PGS.TS. Thiên khẳng định: "Việt Nam hậu Covid-19 sẽ cần một thế hệ doanh nghiệp-doanh nhân mới có những năng lực và lối tư duy nhất định. Vậy nên, các doanh nghiệp hãy đổi mới sáng tạo và chuyển động cùng cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0, đưa ra các giải pháp và sản phẩm mới, song song với việc xây dựng thương hiệu mạnh và thực hành trách nhiệm xã hội".
"Việc ứng xử theo luật pháp và quản trị rủi ro, cũng như khả năng huy động vốn trong hệ thống tài chính phức hợp đều quan trọng không kém nhau. Cuối cùng, doanh nghiệp nên đồng hành cùng Chính phủ trên hành trình này, đồng nghĩa với việc cần nắm bắt các chính sách hiện hành và tham gia đối thoại với Chính phủ", ông Thiên kết luận.
Nguồn tin: TapchiDoanhNhanSaiGon:
Những tin mới hơn
Tin tức khác