Việt Nam tiếp tục là điểm đến mới của các nhà đầu tư châu Á

Thứ tư - 12/08/2020 09:35
Xu hướng các nhà máy chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam đang diễn ra sôi nổi vì lý do chi phí và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, cũng như việc gia tăng thuế quan.
Việt Nam tiếp tục là điểm đến mới của các nhà đầu tư châu Á

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vào năm 2020 nhưng theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, Việt Nam vẫn đang được dự báo là một trong những nền kinh tế tăng trưởng tích cực nhất trong khu vực, với khả năng phục hồi mạnh mẽ lên đến 6,8% vào năm 2021. Đặc biệt, Việt Nam đang trở thành điểm đến sáng giá được các cường quốc công nghiệp chọn để dịch chuyển nhà xưởng. Chỉ tính riêng Nhật Bản đã có 30 doanh nghiệp tuyên bố rời Trung Quốc, 50% trong số đó lựa chọn đầu tư vào Việt Nam.

Ông Terence Alford - Giám đốc Phòng Thị trường Vốn và Dịch vụ Đầu tư Colliers International cho biết: “Chính phủ Nhật Bản đã đồng ý tài trợ chi phí di dời để các công ty Nhật Bản chuyển các nhà máy của họ ra khỏi Trung Quốc. Một số sẽ chuyển về Nhật Bản trong khi nhiều công ty khác sẽ đặt trụ sở tại Đông Nam Á và đặc biệt là Việt Nam. Quyết định này là một phần trong chương trình mới của Chính phủ Nhật Bản nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng sản xuất và giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Xu hướng các nhà máy chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam đang diễn ra sôi nổi vì lý do chi phí và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, cũng như việc gia tăng thuế quan”.

Hiện 57 công ty Nhật Bản sẽ nhận được tổng cộng 57,4 tỷ yên (tương đương 536 triệu USD) trợ cấp từ Chính phủ và Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản. Hơn 30 công ty sẽ nhận được chi phí hỗ trợ để chuyển hoạt động kinh doanh sản xuất của họ sang Việt Nam và một số quốc gia Đông Nam Á khác.

“Với sự dịch chuyển này, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam có khả năng sẽ đón nhận nhiều nhu cầu hơn từ các công ty Nhật Bản trong vòng 6-12 tháng tới do các chương trình cam kết tài trợ của Chính phủ Nhật Bản”, ông Terence Alford khẳng định.

Ông Terence cho biết thêm, đến cuối tháng 6/2020, TP.HCM vẫn dẫn đầu thị trường công nghiệp miền Nam. Cụ thể, giá cho thuê trung bình đối với đất công nghiệp tăng lên 162 USD/m2/kỳ, cao hơn 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Về nhà xưởng, giá cho thuê cũng tăng khoảng 5 USD/m2/kỳ. Tỷ lệ lấp đầy đạt được 85% nhờ những lợi thế của thành phố lớn nhất cũng như trung tâm kinh doanh của cả nước thu hút nhiều khoản đầu tư từ các công ty trong nước và quốc tế. 

Trong khi đó, thị trường vẫn không có nhiều nguồn cung mới. Hiện tại, tổng số khu công nghiệp tại TP.HCM là 18, cung cấp gần 3.700ha đất công nghiệp cho thuê. Từ tháng 5/2019, TP.HCM đã yêu cầu Chính phủ phê duyệt dự án khu công nghiệp mới ở Bình Chánh, (cung cấp hơn 380ha cho thị trường). Tuy nhiên, dự án chưa được phê duyệt, một phần do tác động từ đại dịch Covid-19.

Do số lượng khu công nghiệp hạn chế nên giá cho thuê trung bình cũng đang tăng nên các nhà máy có xu hướng di chuyển ra khỏi thành phố để có được giá thấp hơn. Hơn nữa, nhu cầu về đất công nghiệp dường như sẽ tiếp tục tăng trong tương lai do nhiều nhà máy ở nước ngoài ở Trung Quốc có xu hướng chuyển đến Việt Nam. 

Theo dự báo, thị trường bất động sản công nghiệp tại TP.HCM sẽ tiếp tục phát triển, các dự án khu công nghiệp mới vẫn đang chờ hoàn thành gồm giai đoạn 3 của Khu công nghiệp Hiệp Phước và việc mở rộng Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi.

Tại Hà Nội, hơn 50% của tổng các khu công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy 100%, cho thấy nhu cầu đối với các khu công nghiệp tương đối cao. Hà Nội là thành phố nhận 646 triệu USD số vốn, xếp hạng thứ tư toàn quốc. Trong giai đoạn dịch Covid-19, mặc dù vốn FDI của cả nước giảm, Hà Nội đã ghi nhận mức tăng FDI so với cùng kỳ năm ngoái, kéo theo đó là nhu cầu giá cho thuê kho bãi, nhà xưởng trong khu công nghiệp cũng tiếp tục tăng do nhu cầu vẫn tăng trong khi nguồn cung không đổi. 

Với giá thuê trung bình khoảng 151 USD/m2/kỳ, thị trường bất động sản công nghiệp Hà Nội ghi nhận tăng 9% so với quý trước. Bắc Từ Liêm và Long Biên là hai khu vực hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài vì hầu hết khu công nghiệp nằm ở đây.

Hiện Hà Nội có 10 khu công nghiệp đang hoạt động, cung cấp 2.000ha. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 3.500ha trong thời gian tới. Chương Mỹ, Thạch Thất và Đông Anh là những khu vực có các khu công nghiệp chiếm tới 68% tổng diện tích. Hà Nội đang có 70 cụm (tổng diện tích 1.337ha) với 3.100 nhà máy. Dự kiến, 9 cụm mới sẽ gia nhập thị trường vào quý I/2020 nhưng tiếp tục phải hoãn lại do tác động của Covid-19. Tuy nhiên, dự kiến sẽ có 5 trong số 11 khu công nghiệp mới được mở vào cuối năm 2021. 

“Trước tình hình cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ còn căng thẳng, Hà Nội dự kiến sẽ tăng gấp đôi số lượng khu công nghiệp trong vòng hai năm tới, nâng tổng số khu công nghiệp lên 19 đơn vị. Cuối năm 2019, đã có nhiều công ty nước ngoài  có ý định chuyển các nhà máy của họ ở Trung Quốc sang Việt Nam. Do đó, đây sẽ là cơ hội lớn cho thị trường khu công nghiệp ở Việt Nam phát triển”, ông Terence Alford nhận định.

Nguồn tin: TapchiDoanhNhanSaiGon:

Những tin mới hơn

Tin tức khác

Tài trợ kim cương
Hội doanh nghiệp tân phú
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập11
  • Hôm nay0
  • Tháng hiện tại6,735
  • Tổng lượt truy cập8,322,182
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây