Bộ Công Thương triển khai Đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ"

Thứ năm - 11/07/2019 09:03
Sáng ngày 9/7/2019, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chủ trì cuộc họp triển khai Đề án " Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ". Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo Cục Phòng vệ thương mại, Tổng cục Quản lý thị trường, Văn phòng Bộ, Vụ Kế hoạch, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Vụ Thị trường trong nước, Cục Xuất nhập khẩu...

Trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu, đặc biệt đang thực hiện các Hiệp định FTA thế hệ mới như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương-CPTPP, Hiệp định FTA với Liên minh châu Âu-EVFTA, một mặt ta cần tiếp tục tạo môi trường đầu tư, sản xuất thông thoáng nhằm nắm bắt cơ hội từ các luồng đầu tư mới, nâng cao năng lực sản xuất trong nước, khuyến khích xuất khẩu, đặc biệt đối với các ngành, lĩnh vực mà ta có lợi thế so sánh, có chủ trương khuyến khích đầu tư. Mặt khác, cần tăng cường các biện pháp quản lý nhằm dự báo, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ để phát triển bền vững sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu. Yêu cầu này ngày càng trở nên cấp thiết khi xu thế bảo hộ tiếp tục có xu hướng gia tăng tại nhiều nước trên thế giới, xung đột thương mại Mỹ-Trung diễn biến phức tạp.

Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết, để thực hiện chủ trương này, ngày 04 tháng 07 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 824/QĐ-TTgban hành Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”. Mục tiêu của Đề án bao gồm: (i) nhằm nâng cao hiệu quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là tham gia các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, bảo đảm thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các cam kết trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các Hiệp định Thương mại tự do đã ký kết; (ii) nhằm ngăn chặn các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt là gian lận xuất xứ hàng hóa, ngăn chặn hiện tượng Việt Nam bị lợi dụng làm điểm trung chuyển để xuất khẩu hàng hóa sang nước thứ ba, theo hướng toàn diện, đồng bộ và kịp thời, giúp khai thác hiệu quả các cam kết quốc tế, phát triển bền vững xuất nhập khẩu; (iii) bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam trong thương mại quốc tế và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính của Việt Nam.

Các nhóm giải pháp và kế hoạch triển khai của Đề án tập trung bao gồm: (i) tăng cường quản lý, giám sát các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư nước ngoài; (ii) nâng cao nhận thức, hiệu quả thực thi các quy định pháp luật về phòng vệ thương mại, xuất xứ, hải quan, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại; (iii) rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ; (iv) ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa.

hop

Tại buổi làm việc nhằm triển khai Đề án, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã yêu cầu đại diện Cục Phòng vệ thương mại và các đơn vị thuộc Bộ nêu các ý kiến cụ thể về tình trạng lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ cũng như đề xuất các giải pháp nhằm triển khai hiệu quả Đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ".

Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh nhấn mạnh, hiện nay trên thị trường tồn tại khá phổ biến hiện tượng gắn mác "made in Vietnam" nhưng không sản xuất ở Việt Nam. Các mặt hàng chủ yếu là rau củ, quả, hàng dệt may, giày dép, đồ chơi trẻ em... Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do xu hướng người Việt chuộng hàng Việt nhiều hơn; doanh nghiệp muốn lẩn tránh, trốn thuế; phân phối, tiêu thụ dễ dàng, chưa có chế tài xử lý nghiêm. Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh đề xuất các giải pháp tăng cường công tác cảnh báo, tuyên truyền phổ biến rộng rãi, tăng cường hậu kiểm, bên cạnh đó, cần có biện pháp lâu dài về mặt công nghệ, truy xuất nguồn gốc.

Đại diện Vụ Thị trường trong nước đồng tình với ông Trần Hữu Linh trong việc Bộ Công Thương sớm có Đề án truy xuất nguồn gốc. Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ đề cập đến tình hình xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước những tháng đầu năm, những mặt hàng và những thị trường có dấu hiệu bất thường, qua đó, các đơn vị khẳng định sẽ theo dõi sát sao các thị trường, phối hợp chặt chẽ với hệ thống thương vụ tại nước ngoài để có những cảnh báo sớm nhất cho các cơ quan quản lý và doanh nghiệp Việt.

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu, ông Trần Thanh Hải đề xuất đến một khó khăn trong công tác phòng chống gian lận thương mại là vấn đề con người. Vì vậy, trong Kế hoạch triển khai Đề án, đại diện Cục Xuất nhập khẩu đề xuất vấn đề tăng cường nhân lực. Ông Trần Thanh Hải cũng nhấn mạnh, chia sẻ thông tin cần dựa trên nền tảng công nghệ. Hiện tại, Cục đã đẩy mạnh việc thực hiện C/O điện tử và hướng tới không sử dụng C/O giấy. 

BT

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, với Đề án này, lần đầu tiên trong tiến trình hội nhập chúng ta đạt trình độ đấu tranh chống gian lận thương mại, lẩn tránh phòng vệ thương mại. Điều này liên quan trực tiếp đến thành công và tính hiệu quả của công tác hội nhập nước ta, đặc biệt trong bối cảnh vừa ký các Hiệp định thương mại tự do.

Bộ trưởng nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, nếu không quan tâm thỏa đáng đến công tác phòng vệ thương mại thì ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của công tác hội nhập. Nếu làm không nghiêm và chặt chẽ thì các mối quan hệ đối tác, đầu tư sẽ bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, không chỉ "đối ngoại", ngay trong vấn đề "đối nội", mở cửa thương mại mà để gian lận xuất xứ, gian lận thương mại cũng làm tổn thương đến cả thị trường nội địa.

Bộ trưởng yêu cầu tất cả các đơn vị trong Bộ đều phải xác định rõ trách nhiệm của mình để phối hợp thực hiện nhiệm vụ. Cụ thể, Cục Phòng vệ thương mại tổng hợp các ý kiến góp ý của Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Vụ Kế hoạch, Vụ Thị trường trong nước... để hoàn thiện Dự thảo Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương, báo cáo Bộ trưởng trước ngày 15/7/2019. Cục Phòng vệ thương mại sẽ là đơn vị thường trực thực hiện Đề án của Bộ Công Thương.

Bộ trưởng yêu cầu xây dựng kế hoạch phối hợp công tác giữa Bộ Công Thương với các Bộ Tài chính (Tổng cục hải quan, thuế), Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và đầu tư...; chia sẻ thông tin chung liên quan đến chứng nhận xuất xứ, chống lẩn tránh phòng vệ thương mại...

Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ đặc biệt quan tâm đến những nhóm mặt hàng có "nguy cơ" như thủy sản, nông sản, dệt may, da giày, gia dụng, điện tử...và các thị trường trọng điểm như Châu Âu, Canada, Hoa Kỳ... cần có cơ chế giám sát đặc biệt.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, phải chú trọng công tác thông tin tuyên truyền và phổ biến pháp luật đến cộng đồng doanh nghiệp và người dân; tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp luật hướng tới đối tượng và chủ thể là doanh nghiệp và người dân.


Hồng Hạnh - www.moit.gov.vn

Nguồn tin: www.moit.gov.vn

Những tin mới hơn

Tin tức khác

Tài trợ chính
Tài trợ kim cương
Tài trợ vàng
Hội doanh nghiệp tân phú
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập12
  • Hôm nay929
  • Tháng hiện tại50,269
  • Tổng lượt truy cập7,229,857
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây